Lượt xem: 480

Hiệu quả mô hình trồng màu ở Hợp tác xã nông nghiệp “Thành Đạt” xã Thới An Hội, huyện Kế Sách

Huyện Kế Sách có hơn 27.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa và hoa màu hơn 12.000 ha, đến thời điểm này huyện Kế Sách có 30 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 17 HTX trồng lúa và màu.

    Ấp An Nhơn xã Thới An Hội có hơn 700 hộ với gần 2.500 khẩu, trong đó hơn 80% là người dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 19%, do trồng lúa thu nhập không cao, nên hầu hết nông dân nơi đây chuyển sang trồng luân canh quanh năm các loại rau màu, tuy nhiên vì sản xuất theo tập quán củ nên gặp nhiều rủi ro.

    Từ thực tế của địa phương và hướng nông dân tham gia làm kinh tế tập thể, năm 2018, UBND xã Thới An Hội đã thành lập HTX nông nghiệp chuyên canh cây màu tại ấp An Nhơn với 13 thành viên tự nguyện tham gia, tổng diện tích của HTX gần 3 ha, trong đó hộ ít đất là 1.000m2, nhiều nhất là 7.000m2, cùng thời gian này huyện Kế Sách được Tổ chức Bánh mì Thế giới - Dự án AAV hỗ trợ xây dựng mô hình trồng màu hữu cơ trong nhà lưới, dự án được triển khai xây dựng 30 nhà lưới tại 3 xã nghèo: An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội, trong đó xã Thới An Hội được 12 nhà lưới cho 12 hộ, tại HTX Thành Đạt có 10 nhà lưới, diện tích mỗi nhà lưới 200m2, kinh phí đầu tư hơn 20 triệu đồng/nhà lưới.


Thu hoạch rau trong nhà lưới. Ảnh Văn Hiệp

 

    Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kế Sách cho biết: Trạm khuyến nông huyện kết hợp với dự án để hỗ trợ bà con nông dân 3 xã nghèo: Thới An Hội, Kế Thành và An Mỹ; theo đó, mô hình được hình thành như rau hữu cơ trong nhà lưới, các mô hình rau màu… đều sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện tại mô hình “bí non” bước đầu mang lại hiệu quả cao, qua mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân.

    Hộ ông Lý Chanh (43 tuổi) là người dân tộc Khmer ở ấp An Nhơn, có 1.000m2 đất, nhiều năm trồng màu theo tập quán canh tác cũ, khi tham gia vào HTX nông nghiệp Thành Đạt (ấp An Nhơn, xã Thới An Hội), ông Chanh được dự án hỗ trợ xây dựng 1 nhà lưới  để trồng màu theo hướng hữu cơ. Theo tính toán của ông Chanh, từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 25-35 ngày tùy loại màu, chi phí đầu tư 1 vụ màu trong nhà lưới 600.000 đồng, sản lượng thu hoạch từ 150 - 200 kg màu/nhà lưới, giá bán tại chợ dao động bình quân 3.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500 ngàn đồng/vụ/1 nhà lưới.

    Ông Lý Chanh cho biết, trồng rau trong nhà lưới tiện lợi hơn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho người tiêu dùng, giảm chi phí, đầu ra ổn định, tiêu thụ dễ dàng hơn.

    Lợi ích từ việc tham gia HTX là được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ vốn sản xuất khi có nhu cầu, được HTX liên kết tìm đầu ra sản phẩm, còn trồng màu trong nhà lưới là giảm công lao động, hạn chế các dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

    Vụ Hè Thu 2020, HTX đã liên kết và được Công ty cổ phần công nghệ Hatech hỗ trợ giống bí non và bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX. Theo đó, hộ anh Thạch Sa Phép - thành viên HTX nông nghiệp Thành Đạt, ấp An Nhơn, xã Thới An Hội đăng ký thực hiện thí điểm mô hình này trên diện tích 1.000m2 đất, anh trồng 1.200 dây bí non, do lần đầu trồng chưa có kiến thức và thiếu kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, nên năng suất chất lượng không cao, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 5 triệu đồng/1.000m2. Vụ Đông Xuân 2020 cũng diện tích 1.000m2 đất, anh Sa Phép tiếp tục trồng bí non và làm giàn để bí leo, cách làm này khắc phục được hạn chế ở vụ đầu, khâu chăm sóc và thu hoạch dễ hơn, hiện rẫy bí non của anh Sa Phép đã đến kỳ thu hoạch, ước sản lượng vụ này đạt hơn 2,5 tấn, trừ các khoảng chi phí anh còn lãi 15 triệu đồng, chưa kể tiền bán bông bí.

    Anh Thạch Sa Phép cho biết, từ trồng đến kỳ thu hoạch lứa đầu là 45 ngày, theo đó cứ 4-5 ngày thu hoạch 1 lần và thu hoạch khoảng 12 lần là kết thúc vụ, mỗi lần thu hoạch đều được Công ty công nghệ cổ phần Hatech đến tận nơi thu mua toàn bộ sản lượng bí thương phẩm, với giá bao tiêu 8.000 đồng/kg, trọng lượng theo quy cách 500 gram/1 trái.


Thu hoạch bí non. Ảnh Văn Hiệp

 

    Bí non là cây màu mới đối với nông dân địa phương, tuy nhiên loại màu này cũng dễ trồng, dễ chăm sóc, tỷ lệ rủi ro và chi phí đầu tư thấp, cây phát triển mạnh, chống chịu thời tiết khí hậu bất thường, thích nghi vùng đất địa phương, năng xuất cao, chất lượng tốt, thịt thơm ngon, dẻo, có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

    Ông Đào Hùng Dũng - Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Đạt, xã Thới An Hội cho biết: Hướng tới HTX phấn đấu được nhận giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để xã viên yên tâm chăm sóc vườn rau của mình, có đầu ra và giá cả ổn định để HTX thu hút thành viên nhiều hơn. HTX hoạt động hiệu quả sẽ giúp cho thành viên có công ăn việc làm ổn định, không còn đi làm ăn xa, cuộc sống sẽ khá hơn, góp phần cùng xã Thới An Hội đạt tiêu chí nông thôn mới.

    Với những kết quả đạt được bước đầu từ 2 thành viên HTX, có thể khẳng định mô hình trồng màu theo hướng hữu cơ là hướng đi đúng, phù hợp chủ trương chung, khắc phục những bất lợi do biến đổi khí hậu, từng bước phục hồi tạo độ màu mở cho đất, tạo ra nông sản sạch, an toàn mang tính bền vững, bảo vệ tốt sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Văn Hiệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 7355
  • Trong tuần: 78,062
  • Tất cả: 11,801,382